Ngày 1/5 hàng năm là ngày người lao động trên toàn thế giới lại cùng nhau kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động. Nhân dịp này, hãy cùng điểm lại lịch sử và ý nghĩa của ngày lễ quan trọng này, đồng thời cùng thực hiện thông điệp dịp nghỉ lễ dài ngày trong tình hình mới – đại dịch Covid-19.
Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “…Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ.
Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!” Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia.
Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân đã lấy ngày l/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập – tự do – dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế – xã hội. Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, ngày 01/05/1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục ngàn người đã diễn ra ở khu Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của 25 ngành, giới: thợ hoả xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo… Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ vận động dân chủ (1936 – 1939), một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng lãnh đạo. Nó đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo của Đảng ta.
Nhân dịp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà còn là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/02/1946 về những ngày nghỉ Tết, lễ kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của Việt Nam. Ngày 29/04/1946, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân lao động được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5.
Ngày 01/05/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.
Ngày nay, ngày Quốc tế Lao động đã trở thành ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Từ năm 1976 trở lại đây, ngày lễ trọng đại 1/5 cùng dịp với ngày Lễ chiến thắng 30/4 nên trở thành dịp đại lễ của toàn dân tộc, lễ hội được tổ chức tưng bừng trên toàn đất nước Việt Nam.
Nghỉ lễ an toàn – Phòng chống đại dịch
Năm nay, dịp lễ Quốc tế Lao động 1/5 cùng dịp với ngày Lễ Chiến thắng 30/4 người lao động Việt Nam được nghỉ lễ dài 4 ngày liên tiếp. Dịp lễ này diễn ra tại thời điểm dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, số lượng ca mắc mới và tử vong vẫn tăng ở nhiều nước, đặc biệt ở một số nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam. Trong nước, dịch bệnh bùng phát trở lại đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.
Cán bộ, giảng viên, người lao động và học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật trung ương thường xuyên cập nhật tình hình dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, nâng cao trách nhiệm trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ y tế. Hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người khi không cần thiết. Thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế:
1– Khẩu trang: Bắt buộc phải đeo khẩu trang tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
2 – Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Tăng cường công tác vệ sinh, khử khuẩn khuôn viên Học viện, phòng học, phòng thực hành, phòng thí nghiệm. Vệ sinh các bề mặt/vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thaoij, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
3 – Khoảng cách: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
4 – Không tụ tập đông người,
5 – Khai báo y tế: Thực hiện khai báo y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ http://www.bluezone.gov.vn để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, mỗi cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên trong toàn trường thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở,… , đặc biệt là các trường hợp có liên quan bệnh nhân Covid-19 cần liên hệ ngay đến Thường trực Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch của Nhà trường hoặc cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ y tế kịp thời.
TRUNG TÂM BD & ĐTTT